Ông già Ba Tri hay già Ba Tri là một người có thật, tên
Thái Hữu Kiểm hay Cả Kiểm, sống vào đầu thời Minh Mạng (đầu
thế kỷ XIX). Ông nổi tiếng với chuyện cùng mấy ông già khác, đi bộ từ
huyện Ba Tri, Bến Tre ra tới Kinh thành Huế để nộp đơn kiện cho vua Minh
Mạng, đòi lại công bằng cho người dân ở Ba Tri. Cho tới nay, cụm từ "Ông
già Ba Tri" đã trở thành một thành ngữ phổ biến trong dân gian, để chỉ
những ông già mà cứng cỏi, cương quyết bảo vệ công lý.
Ông Thái Hữu Kiểm là cháu nội ông Thái Hữu Xưa, gốc ở Quảng Ngãi, sinh cơ
lập nghiệp ở Ba Tri từ thế kỷ XVIII. Ông Xưa từng có công giúp chúa Nguyễn
Ánh, được phong chức "Trùm cả An Bình Đông" quận Ba Tri. Năm 1806, ông
Kiểm dựng chợ Trong bên cạnh rạch Ba Tri, giúp cho dân cư ở khu này có nơi
làm ăn sinh sống. Khi đó có ông Xã Hạc ở chợ Ngoài chơi ép, đắp đập chặn
không cho ghe thuyền từ sông Hàm Luông vào chợ Trong. Ông Kiểm bất bình,
kiện lên phủ Huyện, phủ huyện xử chợ Trong thua với lập luận: "Mỗi làng
đều có quyền đắp đập trong địa phận làng mình".
Cả Kiểm cùng dân buôn bán ở chợ Trong không chịu phán quyết trên. Ông
liền cùng hai ông già nữa là Nguyễn Văn Tới và Lê Văn Lợi, khăn gói đi bộ
từ Ba Tri ra Huế (lộ trình khoảng hơn 1000 cây số) - để đưa đơn lên nhờ
vua phúc thẩm lại phán quyết bất công kia. Cuối cùng sau một thời gian dài
dò đường đi, ba ông già cũng tới nơi. Lúc này vua Gia Long mới băng hà,
vua Minh Mạng vừa lên ngôi. Vua thụ lý rồi xử cho dẹp bỏ đập, với lý do
rạch là rạch chung, đường giao thông chung của cả chợ Ngoài lẫn chợ
Trong.
Từ sau lần kiện tụng thành công đó, dân Bến Tre gọi ông Cả Kiểm là "ông
già Ba Tri". Và vùng Bến Tre cũng là vùng đất của ông già Ba Tri, nổi
tiếng với câu chuyện ba ông già đi bộ hơn 1000 cây số để đấu tranh cho lẽ
phải.
Theo
Wikipedia.
Video nguồn Youtube - Đài TH Đồng Tháp.